Một trong những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là quyền sở hữu công nghiệp. Vậy quyền sở hữu công nghiệp là gì? Chuyển quyền sử dụng sở hữu công nghiệp như thế nào?
Quyền sở hữu công nghiệp là gì?
Theo Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) quy định: Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
![Quyền sở hữu công nghiệp](https://azip.vn/wp-content/uploads/2023/05/quyen_so_huu_cong_nghiep.jpg)
Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm những đối tượng nào?
Khoản 2 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ quy định đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp bao gồm quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Hồ sơ đăng ký sở hữu công nghiệp
Căn cứ theo Điều 100 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cụ thể:
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây:
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này;
- Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu:
- Giấy ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
- Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm:
- Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;
- Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.
Yêu cầu về tính thống nhất của đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo Điều 101 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định:
- Mỗi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho một đối tượng sở hữu công nghiệp duy nhất, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
- Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền sáng chế hoặc một Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất.
- Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:
- Các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;
- Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó.
- Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hóa, dịch vụ khác nhau.
Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là gì?
Chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp là việc tổ chức cá nhân nắm độc quyền sử dụng sở hữu công nghiệp (bên chuyển quyền sử dụng – thường được gọi là bên giao) cho phép tổ chức, cá nhân khác (bên nhận quyền sử dụng – thường được gọi là bên nhận) sử dụng nhãn hiệu đó. Đối tượng sở hữu công nghiệp có thể là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
Người có độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là Chủ sở hữu công nghiệp (tức là chủ văn bằng bảo hộ đối với đối tượng sở hữu công nghiệp đó); hoặc bên nhận Li-xăng độc quyền (tức là người được chủ sở hữu công nghiệp chuyển giao độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp).
Hồ sơ đăng ký hơp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ Điều 149 Luật Sở hữu trí tuệ 2019, hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:
- Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
- Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ hợp đồng
- Bản gốc văn bằng bảo hộ đối với trường hợp chuyển nhượng sở hữu công nghiệp;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, văn bản giải trình lý do không đồng ý của bất kỳ đồng chủ sở hữu nào về việc chuyển giao quyền nếu quyền sở hữu công nghiệp thuộc sở hữu chung;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí;
- Giấy ủy quyền nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện.
- Bản sao, bản dịch tài liệu phải có xác nhận sao y bản chính/ dịch nguyên văn từ bản gốc
Dịch vụ tư vấn hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của Công ty A&Z
- Tư vấn trong việc thương lượng, soạn thảo và tiến hành thủ tục ghi nhận các hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng li-xăng liên quan tới các đối tượng sở hữu trí tuệ như: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền và chuyển giao công nghệ;
- Đại diện cho khách hàng thực hiện các thủ tục đăng ký, phê duyệt các hợp đồng li-xăng, chuyển nhượng các đối tượng sở hữu trí tuệ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.